BÌNH DƯƠNG Tỉnh hướng tới đa dạng loại hình, tăng diện tích nhà ở tối thiểu, kêu gọi đầu tư để đảm bảo nhu cầu về nhà ở và giãn dân.
Theo Ủy ban Nhân dân Bình Dương, năm 2021, diện tích nhà ở tối thiểu trên địa bàn toàn tỉnh đạt 8,4 m2 sàn mỗi người. Tuy vậy, các chỉ tiêu về phát triển nhà ở đều chưa đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do tác động rất lớn bởi đại dịch Covid-19.
Từ những tồn đọng chưa đạt được so với mục tiêu đề ra trong năm 2021, Kế hoạch phát triển nhà ở năm nay điều chỉnh, bổ sung phù hợp đáp ứng điều kiện tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Theo đó, chỉ tiêu sàn nhà ở năm 2022 trên địa bàn tỉnh là 4,45 triệu m2, trong đó khu vực đô thị là 3,75 triệu m2, khu vực nông thôn là 701.416 m2. Qua đó, tăng tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị lên 30%.
Diện tích sàn nhà ở xã hội cho thuê năm 2022 phấn đấu đạt khoảng 80.000 m2 sàn, đáp ứng 20% diện tích sàn nhà ở xã hội cho thuê giai đoạn 2021-2025 là 400.000 m2 sàn.
Chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 30,6 m2 sàn mỗi người. Đến năm 2025, phấn đấu chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 31,5 m2 sàn mỗi người. Chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu năm 2022 đạt 8,8 m2 sàn mỗi người; phấn đấu đến năm 2025 đạt 10 m2 sàn mỗi người. Đối với chất lượng nhà ở, phấn đấu trong năm 2022, nhà ở kiên cố và nhà ở bán kiên cố đạt tỷ lệ 99,2%; giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và nhà ở đơn sơ còn 0,8%.
Với định hướng phát triển nhà ở thương mại, tỉnh sẽ tập trung chủ yếu theo dự án, đa dạng các loại hình nhà ở, bao gồm nhà chung cư, nhà ở liền kề, biệt thự; khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để phù hợp với thu nhập của một bộ phận người dân. Đầu tư trực tiếp thông qua huy động các nguồn đầu tư từ doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế – xã hội, nguồn vốn vay và nguồn ngân sách địa phương.
Song song đó, tỉnh kết hợp sử dụng nhiều hình thức kêu gọi đầu tư để đảm bảo nhu cầu về nhà ở và giãn dân, giảm tải lên hệ thống hạ tầng cho khu vực trung tâm hiện hữu, đặc biệt là khu trung tâm của các thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An.
Riêng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, các địa phương có khu công nghiệp cần đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa để tạo môi trường thuận lợi. Tỉnh huy động, khuyến khích các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch, thuế, tài chính – tín dụng.
Đối với nhà ở cho người có thu nhập thấp khu vực đô thị, tập trung huy động nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, vốn vay, vốn huy động khác để thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhà ở xã hội. Ngoài ra, Nhà nước hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất… để thực hiện các dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị.
Tỉnh dự báo nhu cầu nguồn vốn đầu tư nhà ở toàn tỉnh trong năm 2022 khoảng hơn 22.838 tỷ đồng.