QUI TRÌNH LẮP DỰNG KHUNG THÉP NHÀ XƯỞNG- PHÚC AN CONSTRUCTION

Lắp dựng khung thép trong xây dựng nhà xưởng gồm nhiều công đoạn quan trọng. Tại mỗi công đoạn lại bao gồm những quy trình nghiêm ngặt đảm bảo chất lượng công trình tốt nhất, an toàn nhất cho khách hàng. Bài viết dưới đây, Phúc An sẽ giới thiệu chi tiết về quy trình lắp dựng nhà thép tiền chế cũng như các nguyên tắc cần tuân thủ khi lắp dựng.

Lắp dựng là bước cuối cùng trong quy trình xây dựng nhà thép tiền chế. Ở bước này, toàn bộ các cấu kiện, khung thép và các vật liệu sẽ được vận chuyển từ nhà máy sản xuất đến công trường để lắp dựng.

1. Quy trình lắp dựng nhà thép tiền chế 

Để đảm bảo tính an toàn cũng như chất lượng của công trình, quy trình lắp dựng nhà thép tiền chế được thực hiện theo đúng trình tự các bước như sau:

 

Bước 1: Kế hoạch và công tác chuẩn bị tại công trường

  • Khảo sát công trường: Kiểm tra đường thi công phải đảm bảo chắc chắn để cho xe tải vận chuyển hàng và xe cẩu có thể hoạt động được.
  • Kiểm tra vị trí để tập kết vật tư hàng hóa, cần được đảm bảo vật tư hàng hóa phải được tập kết tại các khu vực chỉ định sao cho thuận tiện nhất cho việc thi công.
  • Căn cứ vào điều kiện mặt bằng để lập kế hoạch thi công, thông báo cho nhà máy kế hoạch này để nhà máy trên cơ sở đó lập kế hoạch sản xuất và cung cấp hàng hóa. Cần đảm bảo tiến độ cung cấp hàng hóa phải đồng bộ và không ảnh hưởng đến tiến độ của các bộ phận khác.
  • Tiến hành kiểm tra và khảo sát các vị trí đấu nối sử dụng điện trước khi thi công. Cần đảm bảo đưa các nguồn cấp điện này dẫn đến khu vực thi công  một cách an toàn nhất.
  • Tổ chức huấn luyện ATLĐ cho công nhân.
  • Kiểm tra thiết bị thi công, toàn bộ dụng cụ, thiết bị, và máy móc để đảm bảo chắc chắn tất cả thiết bị đều đáp ứng yêu cầu làm việc bình thường.

Bước 2: Kiểm tra khảo sát vị trí bulong neo

  • Trước khi lắp đặt kết cấu thép, cần tiến hành khảo sát lại vị trí và cao độ bulong neo đã được lắp đặt sẵn (Đây được gọi là bước hoàn công định vị bulong neo)
  • Các mốc định vị, cao độ phải được dựa theo cao độ thiết kế yêu cầu.
  • Mọi thiết bị khảo sát phải được kiểm định chính xác.
  • Bulong neo phải được chống dịch chuyển vị trí theo phương ngang, phương dọc và phương đứng suốt quá trình từ lúc lắp đặt cho đến sau khi đổ bê tông.
  • Sai số cho phép như trong bảng sau:
Sai lệch vị trí Sai số cho phép
Sai lệch khoảng cách tim của 2 bulong trong 1 cụm ≤ 5mm
Sai lệch khoảng cách tim của 2 cụm bulong cạnh nhau ≤ 10mm
Sai lệch cao độ giữa các đỉnh bulong neo ≤ 15mm

Bước 3: Giao nhận vật tư tại công trường 

  • Mọi cấu kiện được sản xuất sẵn tại nhà máy là đặc điểm của nhà thép tiền chế. Trong quá trình thi công nếu cấu kiện sai lệch hoặc thiếu một cấu kiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ lắp dựng trên công trường.
  • Yêu cầu có phiếu giao hàng và bên tiếp nhận, bên giao vật tư ký xác nhận đầy đủ. Quá trình tiếp nhận vật tư cần phải so khớp từng vật tư với phiếu giao hàng, và xác nhận số hàng đã nhận vào phiếu giao hàng, đồng thời đánh giá sơ qua về tình trạng chất lượng của vật tư hàng hóa trước khi quyết định có nhận hay không nhận. Đảm bảo đầy đủ các vật tư, cấu kiện để đảm bảo quá trình thi công lắp dựng được liên tục.

Bước 4: Bảo quản vật tư trên công trường

  • Chọn 1 khu vực vững chắc, được đầm nén chặt và khô ráo làm kho tạm chứa vật tư phụ.
  • Vật tư được xếp chồng tại các vị trí tương ứng với phần công trình hoặc khu vực sẽ thi công, và nên nằm cạnh vị trí mà xe cẩu sẽ đứng cẩu lên để lắp đặt. Điều này sẽ giúp việc phân loại và giao hàng được thuận tiện trong suốt quá trình thi công.
  • Vật tư phải bảo quản tránh bụi bẩn, dầu mỡ, tạp vật khác; cũng như phải bảo vệ không bị dính bẩn nước từ các xe cơ giới trên công trường.
  • Không được đi lại, dẫm đạp lên vật tư, cấu kiện.
  • Toàn bộ bulong, đai ốc, ốc vít, bản mã nhỏ và phụ tùng phải được đóng gói và ghi tên thích hợp.

Bước 5: Lắp dựng tại công trường

  • Tùy theo tính chất của công trình có thể được thi công theo các biện pháp khác nhau, tùy thuộc một số yếu tố chính như sau:

– Loại kết cấu (như: loại nhà nhịp nhỏ, nhà nhịp lớn, nhà ít tầng, nhà cao tầng, kết cấu dầm I, kết cấu bụng rỗng v.v…)

– Loại thiết bị sẵn có (như: cần cẩu, xe nâng, tời kéo, nâng tay v.v..)

– Điều kiện mặt bằng thi công hiện có

– Kinh nghiệm của từng đội lắp lợp

  • Trình tự/ biện pháp thi công phải được nghiên cứu và lập kế hoạch, sao cho có thể tiến hành thi công một cách an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
  • Quy trình biện pháp thi công cụ thể cho từng công trình phải được thảo luận trước, thể hiện chi tiết các yêu cầu trước khi triển khai thi công. Tùy từng đặc thù của từng công trình sẽ áp dụng biện pháp thi công khác nhau

Bước 6: Kế hoạch giám sát và Kiểm tra nghiệm thu

a. Kiểm tra nghiệm thu

Kiểm tra nghiệm thu lắp dựng kết cấu thép được tiến hành theo các bước:

  • Kiểm tra từng hạng mục trước khi chuyển bước (nghiệm thu nội bộ)
  • Kiểm tra nghiệm thu hoàn thành hạng mục (đại diện TVGS nghiệm thu)
  • Kiểm tra nghiệm thu hoàn thành bàn giao công trình (đầy đủ các bên tham gia)

b. Kế hoạch giám sát và kiểm tra

Kiểm tra gian khóa

  • Sau khi lắp đặt được 2 khung kèo đầu tiên của gian khóa cứng, Giám sát công trình sẽ dừng công việc và thông báo cho Chỉ huy trưởng để kiểm tra và ký thông qua bước kiểm tra nội bộ trước khi Giám sát CĐT kiểm tra.
  • Chỉ huy trưởng công trình phải kiểm tra và ký thông qua về tình trạng giằng khoá, ghi lại để đảm bảo công trình không bị xê dịch không đúng hoặc bị sập đổ trong suốt quá trình lắp đặt.

Kiểm tra lực siết bulong

  • Toàn bộ 100% bulong kết cấu phải được đội trưởng kiểm tra lực siết đảm bảo theo yêu cầu và được đánh dấu. Thiết bị kiểm tra là dùng cờ lê lực có kiểm định.
  • Công việc siết bulong cũng như siết căng sau cùng các bulong cần tiến hành từ phần cứng nhất của mối nối tới phần mép rìa của liên kết. Nên tránh siết căng lại bulong (vốn đã siết căng trước đó rồi):

– Trường hợp ngoại lệ, khi phải thực thi việc siết căng lại, chỉ cho phép thực hiện 1 lần ở những chỗ mà bulong vẫn còn nằm tại đúng lỗ bulong đó (nơi trước đó nó đã được siết căng) và với cùng 1 chiều dài tay cần hoặc 1 loại súng siết.

– Không cho phép siết căng lại những bulong mạ kẽm.

– Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không cho phép sử dụng bu lông đã siết căng hết cỡ để dùng lại vào chỗ khác.

– Việc siết thêm hoặc siết căng lại các bu lông (đã siết chặt) bị nới lỏng ra khi siết căng những bulong bên cạnh thì không xem là trường hợp siết căng lại. Công việc siết căng sau cùng các bulong chỉ được tiến hành sau khi thực hiện căn chỉnh phương vị và cao độ thoả mãn yêu cầu.

  • Thứ tự siết bulong:

 

Các hình trên thể hiện thứ tự cho phép siết bulong ở mối nối bất kỳ.

  • Công tác siết được thực hiện qua 2 vòng, vòng thứ 2 để đảm bảo tất cả bulong đều được siết đều tay Moment cho phép dùng siết bulong và kiểm tra. Ở những mối nối đã hoàn tất, toàn bộ bulong phải đạt lực căng tối thiểu theo quy định
  • Phương pháp khác kiểm tra lực siết bulong: Dùng cờ lê lực có dải lực tương ứng với momen siết cho phép của bulong

Kiểm Tra Phương vị

  • Thẩm tra và có báo cáo chính thức về phương vị của 1 khung kèo chính và 2 khung kèo đầu hồi. Nếu khả thi, nên căn chỉnh ngay sau khi lắp đặt từng phần của kết cấu khung. Không thực hiện các liên kết vĩnh cửu nối các cấu kiện, cho đến khi nào có được 1 phần thích hợp của hệ khung nhà đã được căn chỉnh phương vị, cao độ, độ thẳng đứng, cũng như đã được liên kết tạm sao cho các cấu kiện này không xê dịch suốt quá trình thi công và căn chỉnh phần còn lại của hệ khung.

Nghiệm thu

  • Việc nghiệm thu nội bộ phải thực hiện trước. Việc nghiệm thu này nhằm đảm bảo các yêu cầu chất lượng, cũng như để có kế hoạch căn chỉnh, lau chùi và sơn dặm.
  • Tiêu chuẩn áp Dụng:

– TCXD 170-2007: Kết cấu thép – Gia công – lắp ráp – nghiệm thu – Các yêu cầu kỹ thuật

– TCVN 5593: 2012 Công tác thi công tòa nhà

2. Trang thiết bị thi công

a. Thiết bị máy móc di động

  • Máy móc di động gồm xe tải giao hàng, xe cẩu thùng, tời nâng v.v..
  • Chỉ cho phép thiết bị máy móc di động đã qua kiểm tra thợ điều khiển có tay nghề vào công trường thi công.
  • Ở chỗ có nguy cơ máy móc di động có thể tiếp xúc với điện, tất cả dây dẫn điện phải được rào chắn hoặc cắm cờ báo hiệu. Những dây điện có nguy cơ gây tai nạn phải được ngắt điện, hay làm cho an toàn trước khi khởi sự bất cứ công tác nào.
  • Không được có máy móc nào hoạt động ngay trên dây dẫn điện.
  • Không bao giờ vận hành máy móc nằm cách nguồn điện điện >220 Volt một khoảng dưới 4,5m.
  • Tránh đi lại gần hoặc ngay dưới 1 vật đang được cẩu lên. Tất cả vật nặng được cẩu lên phải có dây lèo (tagline) để lái vật.
  • Trước khi cẩu bất cứ thứ gì, phải xác định rõ vị trí đứng của cẩu và vị trí hạ vật cẩu trong khu vực thi công. Phải tiến hành công tác đảm bảo an toàn lao động và phân tích những nguy cơ có thể (dựa theo Quy trình ATLĐ trong Lắp đặt tại công trường).
  • Trong mọi giai đoạn thi công, cần tránh hẳn hoặc giảm thiểu việc gây hư hỏng phần sơn hoàn thiện của kết cấu bằng cách dùng dây choàng hoặc đai bằng nylon cùng với đệm bảo vệ ở những chỗ tiếp xúc trực tiếp vào cấu kiện thép; hoặc bằng cách dùng cùm xỏ xuyên các lỗ bulong để nâng.

b. Dây cẩu và dây treo buộc

  • Nhất định phải có sự kiểm tra thật kỹ dây cáp cẩu và dây treo buộc. Những sợi cáp và dây treo bị hư hỏng phải được cắt bỏ và huỷ ngay lập tức.
  • Khi tiến hành cẩu, tránh dùng dây cẩu một cách tùy tiện. Cần bảo vệ dây cẩu bằng cách lót những chỗ góc nhọn. Tuyệt đối không giật đột ngột khi cẩu, vì giật đột ngột sẽ làm tải tăng gấp 3 lần bình thường, nguy hiểm cho dây cẩu. Khi không sử dụng, cần mắc dây cẩu gọn gàng. Không bao giờ để dây cẩu bị quá tải.

c. Giàn Giáo Thi Công 

  • Phải có kế hoạch sử dụng cũng như lắp đặt giàn giáo thi công sao cho không cản trở sự di chuyển của xe cẩu và khoảng vươn tay cần, cũng như không gây khó khăn cho các thao tác thi công.
  • Luôn luôn kê giàn giáo trên chỗ nền đất cứng hoặc phải lót ván, kích thước tối thiểu 200 x 200 mm. Những dàn giáo kê riêng rẽ phải được bắt chặt vào kết cấu cố định với khoảng trống tối thiểu là 1,5m. Mỗi tầng dàn giáo phía trên cần giữ chặt vào tầng dưới bằng dây thép hoặc ống giàn giáo, sao cho đảm bảo an toàn.

d. Dụng cụ cầm tay

  • Tất cả dụng cụ cầm tay phải có dây buộc giữ chống rơi trong quá trình làm việc.
  • Phải sử dụng thiết bị đúng mục đích. Không bao giờ dùng thiết bị cầm tay cho những công việc ngoài mục đích dự tính. Không bao giờ dùng những thiết bị thay thế tạm thời.
  • Nhất định không bao giờ dùng những công cụ đã bị hỏng, máy móc thiết bị mà dây quấn bị sờn hoặc có sai sót hay không có chụp bảo vệ.
3. Biện pháp lắp dựng Kết cấu thép cho một khung nhà thép điển hình

[BƯỚC 1] LẮP CỘT GIAN KHÓA CỨNG

a. Lắp đặt cột đầu tiên

  • Cột đầu tiên bắt buộc phải có cáp neo để neo giữ cột sau khi lắp.
  • Vị trí neo cáp có thể đóng cọc hoặc các cụm bulong neo gần xung quanh


b. Căn chỉnh độ thẳng đứng, vị trí, cao độ

  • Đưa xe nâng người lên vị trí cột
  • Siết vừa cứng bulong neo, căn chân cột như yêu cầu
  • Thiết bị: Dây dọi, Máy kinh vĩ và Thước cuộn
  • Siết toàn bộ bulong neo bằng cờ lê với lực xi

c. Lắp cột tiếp theo và giằng cột hoặc xà gồ vách giữa các cột 

  • Giằng/ xà gồ phải được lắp ngay liên tiếp để đảm bảo giữ vững cột.
  • Lực siết bulong vừa phải đủ để giữ ổn định.


[BƯỚC 2] LẮP ĐẶT DẦM KÈO ĐẦU TIÊN

a. Tổ hợp nối các đoạn kèo trên mặt nền

  • Các đoạn kèo được tổ hợp dưới mặt nền theo sơ đồ lắp
  • Cáp được mắc vào cấu kiện ở 2 điểm cách đầu mút cấu kiện khoảng ¼ chiều dài, cạnh mã xà gồ/ sườn tăng cứng. Tuy nhiên, phần đầu ngoài điểm treo phải được tính toán để tránh tình trạng vặn xoắn cấu kiện do tải bản thân. Đoạn đầu ngoài điểm treo không được quá 1/3 chiều dài thanh cấu kiện. Góc nâng cũng cần được tính toán tránh xoắn do lực dọc khi cẩu. Để an toàn, khuyến cáo nên dùng nhiều hơn 2 điểm mắc cáp cẩu
  • Khi tổ hợp, nên dùng các thanh gỗ kê dày 50mm để đỡ cấu kiện
  • Thiết bị siết bulong cường độ cao: cờ lê lực (Torque wrench), lực siết theo moment xoắn tối thiểu đề nghị (xem bảng Momen Lực siết)
  • Bắt giằng tạm thời và giằng chống xà gồ vào kèo
  • Dùng giấy nhám và vải lau để vệ sinh cấu kiện. Dặm vá sơn bị trầy bằng con lăn sơn
  • Nhấc thử 1 đến 2 lần để kiểm tra độ cân bằng của cáp cẩu

b. Lắp 1 bán kèo lên cột

  • Cẩu bán kèo đầu tiên đặt vào vị trí gối lên trên đầu 2 cột liên tiếp, giữ ổn định bằng xe cẩu
  • Công nhân thao tác sẽ đứng trên xe nâng hoặc thang rọ biện pháp, xỏ và siết bulong mặt bích nối cột và dầm kèo tới trạng thái đủ chặt
  • Dùng dây cáp giằng tạm dầm kèo đặt cách khoảng 6m giữ chặt bán kèo đầu tiên này vào các tổ bulong chân cột bằng các bát sắt V.
  • Nhả nhẹ cáp cẩu thử xem bán kèo có ổn định không, trước khi nhả hẳn cáp cẩu.

c. Lặp lại bước 1 và bước 2 cho bán kèo còn lại, tạo thành khung kèo hoàn chỉnh

[ BƯỚC 3 ] LẮP ĐẶT KHUNG KÈO THỨ HAI

a. Làm tương tự bước 2 cho 2 bán kèo của khung dầm kèo thứ hai

  • Chỉ dùng dây giằng tạm về 2 phía ở khoảng giữa mỗi bán kèo, giằng vào bulong chân cột bằng các bát sắt V

b. Lắp đặt ngay giằng đỉnh mái/ xà gồ tạm để giữ các bán kèo đúng vị trí


[ BƯỚC 4 ] HOÀN THÀNH 100% GIAN KHOÁ

  • Lắp đặt toàn bộ thanh giằng kèo, xà gồ, chống xà gồ – đủ 100% số lượng
  • Lắp đặt toàn bộ cáp giằng chéo vĩnh cửu của cột và dầm kèo cho gian khoá.
  • Để các giằng này ở trạng thái lỏng (chưa kéo căng)
  • Cân chỉnh khung kèo:

– Dùng các giằng tạm để cân chỉnh khung

– Siết chặt hoàn toàn các giằng vĩnh cửu.

– Ký biên bản kiểm tra thông qua gian khóa cứng


[ BƯỚC 5 ] LẮP ĐẶT TOÀN BỘ CÁC KHUNG KÈO VÀ XÀ GỒ

  • Lắp đặt toàn bộ cột biên và cột giữa ở các trục tiếp theo
  • Chỉnh độ thẳng đứng, vị trí và cao độ của cột
  • Thực hiện tương tự [bước 3] và [bước 4] cho tất cả khung kèo và xà gồ mái
  • Đối với kết cấu có một cột ở giữa, không được phép lắp đặt hết một bên bán kèo rồi tới bên bán kèo còn lại. Làm như vậy sẽ thay đổi sơ đồ tính toán thiết kế của khung, gây mất cân bằng khung, có thể dẫn tới sập đổ công trình khi gặp thời tiết xấu.

[ BƯỚC 6 ] LẮP ĐẶT KÈO ĐẦU HỒI CUỐI

  • Lắp hoàn thiện khung kèo hồi cuối theo trình tự giống như các bước trên.
  • Lắp đặt toàn bộ thanh giằng kèo, xà gồ, thanh chống xà gồ, ti xà gồ cho 2 gian đầu hồi còn lại đủ 100% số lượng.
  • Lắp đặt toàn bộ giằng chéo vĩnh cửu của cột và dầm kèo cho gian khoá cuối.
  • Để các giằng này ở trạng thái lỏng (chưa kéo căng)
  • Cân chỉnh dầm kèo
  • Siết chặt hoàn toàn các giằng vĩnh cửu.
  • Tháo tất cả giằng tạm của công trình.
  • Kiểm tra và thẩm định toàn bộ các mối liên kết, đảm bảo tất cả bulong đều được lắp. Tất cả bulong cường độ cao (bulong kết cấu) phải được siết đến lực căng yêu cầu. Các bulong sau khi siết đạt lực phải được đánh dấu để tránh bị xót.
  • Kiểm tra toàn bộ khung kết cấu lần cuối: đúng phương vị mặt bằng và độ thẳng đứng
  • Lập biên bản nghiệm thu.

[ BƯỚC 7] LỢP TÔN MÁI

  • Tôn cẩu lên mái sử dụng giá cẩu tôn
  • Sử dụng dây gió để dẫn hướng
  • Tôn cẩu theo từng tệp theo từng bước gian, vị trí đặt gần sát khung kèo thép
  • Các chồng tôn phải được buộc chặt bằng dây thép 3mm tối thiểu 3 vị trí và có biện pháp chống trôi.
  • Khi kéo đủ tôn lợp, tổ lắp đặt sẽ bắt đầu công tác lợp tôn.

[BƯỚC 8 ] LỢP TÔN

  • Lắp đặt hệ thống dây cáp bảo vệ an toàn trên mái
  • Chuẩn bị hệ thống điện thi công
  • Lắp đặt tấm tôn lợp đầu tiên:

– Định vị tấm tôn đầu tiên, căn sao cho khoảng nhô vào máng xối rìa đều nhau và từ 100-150mm.

– Bắn vít định vị tờ tôn đầu tiên.

  • Ghép tờ tiếp theo sao cho khớp sóng với từ đầu
  • Kiểm tra thường xuyên để các tấm tôn đã lợp được căn thẳng theo rìa máng xối.
  • Bắn vít 100% các vị trí theo từng chủng loại tôn.
  • Bôi keo silicon 100% các đầu vít
  • Thường xuyên dùng chổi vệ sinh sạch các mạt sắt và bụi bẩn
  • Nếu mái có sử dụng vật liệu cách nhiệt thì phần vật liệu cách nhiệt này sẽ được dải thi công trước sau đó mới đặt tấm tôn mái lên sau. Cách nhiệt phải được dải căng và phẳng đảm bảo tính thẩm mĩ và chất lượng.


qui trình lợp mái tôn
qui trình lợp mái tôn 2
Qui trình lợp mái tôn

 

[ BƯỚC 9 ] LẮP ĐẶT TÔN VÁCH – MÁNG XỐI – ỐNG XỐI VÀ PHỤ KIỆN

  • Chuẩn bị thang biện pháp sẵn sàng
  • Dùng ròng rọc, dây thừng để kéo từng tờ tôn vào vị trí lắp
  • Công nhân thao tác bắn vít định vị đứng trên thang biện pháp
  • Tấm tôn đầu tiên phải được dọi thẳng vuông góc trước khi bắn vít.
  • Các tấm tôn tiếp theo phải được kiểm tra căn chỉnh độ thẳng thường xuyên tránh bị chạy tôn.
  • Tôn được vệ sinh sạch trước khi lắp
  • Lắp đặt máng xối, ống nước, các phụ kiện diềm v…v…
Thi công seno thu nước mưa
Xử lí chống thấm
Lắp dựng vách đứng

Một số hình ảnh thi công, lắp dựng Kết cấu thép của Phúc An

 

z

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *